Anh em chúng nó vừa mới nhận hai bao lì xì. Chẳng nói chẳng rằng điều gì, chúng vội vã mở từng phong bì và thốt lên: “Có hai mươi ngàn à!“
Thời xưa, ta trao nhau cái tình qua phong bì đỏ với mai vàng tươi thắm mỗi độ Tết đến xuân về. Theo dòng chảy thời gian, tình còn đó hay đã đi đâu? Thực tế cho thấy, con người ngày càng trở nên thực dụng. Vật chất đang dần thay thế những thứ tình cảm vốn có từ sâu bên trong mỗi người. Lắm lúc, tiền bạc làm mất đi vẻ đẹp của những phong tục xưa nay. Lì xì Tết – liệu có còn là cách thức để gửi gắm tình cảm và lời chúc mừng năm mới cho nhau nữa hay chăng? Hay thay vào đó, là cách để thu hoạch và trả nợ cho nhau với suy nghĩ lì xì như thế này ít quá hay người ta lì xì cho con mình bao nhiêu thì mình trả lại bấy nhiêu cho trọn nghĩa.
Nguồn gốc tục lì xì Tết…
Ai ai cũng biết đến tục lì xì Tết nhưng ít ai biết được nguồn gốc của nó. Hầu hết mọi người đều tin Trung Quốc là nơi bắt nguồn tục lì xì. Mọi thứ bắt nguồn từ một câu chuyện. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa làm chúng khóc thét lên, làm chúng đau đầu ngay vào ngày hôm sau đó. Vì thế mà các bậc phụ huynh thường phải thức suốt đêm để đề phòng.
May mắn thay, có một cặp vợ chồng 50 tuổi sinh được con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên qua nhà, biết trước là sẽ gặp tai họa nên ba mẹ chúng đã hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Khi đứa bé đã chìm vào giấc ngủ, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền ấy lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, khi yêu quái xuất hiện, vừa định lấy tay xoa đầu đứa bé thì những tia sáng bên chiếc gối liền lóe lên khiến nó bỏ chạy.
Từ đó, mỗi độ Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em với mong muốn cho trẻ một năm mới an lành. Cứ như thế, phong tục lì xì đầu năm được hình thành.
Ý nghĩa lì xì Tết…
Lì xì Tết là phong tục xưa nay của người Việt. Với mong muốn cầu chúc cho nhau một năm mới an lành hạnh phúc, mong mọi điều may mắn và tốt đẹp nhất đến với mỗi người, tục lì xì lại càng trở nên ý nghĩa hơn hình thức bên ngoài của nó. Người ta không chỉ lì xì vào mồng một, mà còn là mồng hai, mồng ba và thậm chí là kéo dài đến mồng 10. Phong bao lì xì không đơn thuần chỉ là một cái bao màu đỏ, mà đó còn tượng trưng cho sự kín đáo và tài lộc. Kín đáo với mong muốn một năm thuận hòa, không xích mích, không cãi vả. Tài lộc khi người ta cho đi càng nhiều, cho càng nhiều thì càng phát tài phát lộc. Và, cũng không tự nhiên mà bao lì xì lại là màu đỏ, bởi lẽ màu đỏ trước giờ tượng trưng cho sự may mắn, là màu cát tường nhất trong những lễ hội.
Lì xì tình…
Mỗi bao lì xì là một lời chúc, một tình cảm. Ông bà, cha mẹ thường gửi gắm những lời nhắn nhủ thương yêu cũng như những tình cảm và mong muốn tốt đẹp nhất cho con mình qua từng chiếc phong bì ấy. Theo như lẽ thường, cứ vào sáng mồng một, con cháu trong nhà xếp hàng lần lượt chúc ông bà một năm mới an khang, chúc cha mẹ phát tài phát lộc. Cứ mỗi lời chúc như thế, đám trẻ sẽ được nhận một phong bao đỏ kèm theo những lời chúc từ người mà gửi đến chúng món quà lộc đầu năm.
Lộc đầu năm khi ấy chẳng quan trọng vật chất là bao nhiêu, đó chỉ là hình thức bên ngoài, cái chính là những lời chúc, những mong muốn đằng sau chiếc phong bao đỏ. Đám trẻ khi ấy vui sướng biết bao khi cầm trên tay món quà bé mà to từ những người thân của mình, hạnh phúc nhường nào khi được nghe những lời chúc từ những người thân thương nhất. Cái tình là ở đó. Người nhỏ chúc người lớn, người lớn lì xì người nhỏ. Chẳng quan trọng hình thức, hình thức chỉ là công cụ cho cái tình thêm đẹp.
Lì xì tiền…
Nói đến cái tình, cũng phải nhắc đến cái tiền. Đằng sau những phong bao đỏ ấy, là những đồng tiền được gửi gắm vào cho đám trẻ. Thời xưa, giá trị trong đó có là bao nhiêu cũng chẳng quan trọng. Đám trẻ khi ấy chỉ biết vui mừng khi mở những phong bao đỏ ra, đem khoe với nhau và liền cho heo đất ăn. Năm nghìn, mười nghìn, đôi khi chỉ là một hai nghìn cũng rất quý. Ấy mà ngày nay, cái tiền nó đã quan trọng hơn cái tình tự bao giờ. Chúng chẳng cần nhận lời chúc, chỉ cần nhận tiền. Không một lời chúc sức khỏe ông bà cha mẹ, không một lời mừng năm mới đến người lớn, chúng chỉ biết chờ đợi những đồng tiền được mừng tuổi trong năm mới rồi đem so đo với nhau ai nhiều hơn ai, lì xì ít thì chê lên chê xuống, không lì xì thì bảo là ki bo.
Chuyện quan trọng tiền lì xì Tết ngày nay chắc cũng chẳng xa lạ gì. Có một lần, cô ba tôi lì xì cho thằng Út và thằng Tí. Anh em chúng nó vừa mới nhận hai bao lì xì. Chẳng nói chẳng rằng điều gì, chúng vội vã mở từng phong bì và thốt lên: “Có hai mươi ngàn à!”
Không chỉ là Út, là Tí, mà đám trẻ ngày nay hẳn đều rơi vào tình trạng như vậy. Không thèm chúc lấy một câu, đến khi nhận lì xì rồi lại vội vã mở phong bì ra xem, tiền nhiều thì nói cô này chú kia tốt, đại gia phải như thế, tiền ít thì tiếng to tiếng nhỏ ông này bà kia lì xì có tí tẹo, thời buổi nào rồi còn lì xì đồng mười, hai mươi thế kia. Thế đấy, tiền bạc đã làm lu mờ và làm phai đi giá trị vốn có của việc lì xì ngay từ hình ảnh của những đứa trẻ.
Người lớn cũng thế, việc lì xì chẳng còn để gửi lời chúc trẻ sức khỏe, mau ăn chóng lớn, học tập tốt… mà thay vào đó là tâm thế trả nợ cho nhà bên kia. Nhà người ta lì xì con mình bao nhiêu, mình trả lại bấy nhiêu cho trọn nghĩa, cho khỏi nợ nần nhau là được rồi. Lì xì cứ như thế trở thành hình thức trao đổi vật chất lúc nào không hay, trao đổi tiền, chẳng thấy tình ở đâu.
Tình hay tiền?
Lắm lúc ta tự hỏi, lì xì Tết có còn đang giữ ý nghĩa vốn có của nó hay không, ta có còn gửi những lời chúc mừng năm mới đến nhau hay chăng? Hay, ta đang trả nợ, ta đang thu hoạch mùa. Đâu đó trong xã hội này, vẫn còn nhiều người gửi cái tình cho nhau qua phong bao đỏ. Đâu đó trong xã hội này, vẫn còn những đứa trẻ ngây thơ hồn nhiên chẳng quan tâm đến vật chất. Đâu đó trong xã hội này, còn tồn tại cáii tình. Và, cũng đâu đó trong xã hội này, vật chất đã lên ngôi, tiền đã thay thế cho tình. Tình một nơi, tiền một nơi. Tình hay tiền, phụ thuộc vào mỗi người.
Dẫu biết tình vẫn còn len lỏi đâu đó, tiền đang dần tiến tới nhưng có lẽ mọi người vẫn chấp nhận và mặc kệ. Đó như là điều hiển nhiên của cuộc sống hiện tại – một cuộc sống đầy vật chất. Tình và tiền cần dung hòa để trở về với những nét vốn có, trở về với đúng giá trị sơ khai. Và, đặc biệt là đúng với phong tục lì xì Tết – một phong tục truyền thống tự xưa giờ.