Written by 2:37 pm Cảm thức

“Con ăn cơm chưa?”

Đi học xa nhà, có những ngày thức dậy trời đã vào giữa trưa. Và cũng không thiếu mấy buổi trưa tỉnh giấc, mây đã chuyển sang màu chiều muộn. Sau cả một quá trình khó nhọc bật người ra khỏi gối chăn, tôi vừa ôm cái bụng đói meo vì bỏ bữa vừa vu vơ bấm điện thoại. 

Màn hình sáng nhấp nháy mấy hồi chuông báo, mẹ gọi nhỡ tận sáu cuộc liền. Tôi vội vội vàng vàng gọi lại, thấy đầu dây bên kia vang lên vài hồi tút tút rồi chẳng có ai nghe. Nhìn đồng hồ mới nhận ra, chắc giờ này mẹ đang chuẩn bị cơm tối. 

Tôi thò đầu ra cửa sổ, trông thấy hoàng hôn ngẫu hứng quét lên nền trời mấy mảng màu cam nhạt. Mùi bữa tối từ nhà ai đó thấm vào làn gió nhẹ rồi tràn ra khắp xóm trọ. Thành phố này lớn đến vậy, nên sự hiện diện cô độc của tôi trong căn phòng vắng người lại càng thêm nhỏ bé. Tỉnh dậy ngay thời điểm gia đình ai cũng quây quần bên mâm cơm nhỏ là trải nghiệm không dễ chịu chút nào. 

Mẹ gọi lại rồi, câu đầu tiên mẹ hỏi quen thuộc lắm:

“Con ăn cơm chưa?”

Bất kể là đã ăn hay chưa, tôi đều đáp là rồi. Bình thường lẽ ra sẽ cảm thấy hơi phiền, nhưng hôm nay thì không như vậy. Tôi lơ đễnh nghĩ ngợi một chút, chợt phát hiện, dù là cùng một câu hỏi, nhưng tùy người nói mà sẽ mang ý nghĩa rất khác nhau. Trong câu cửa miệng này của mẹ đặc biệt đầy ắp sự quan tâm. Có lẽ là sự quan tâm chân thành của một người từ đó đến giờ đã chăm chút cho tôi từng bữa ăn một. 

Tôi ngồi yên nghe mẹ kể về những chuyện vụn vặt hằng ngày của cả nhà. Lời mẹ nói cứ nối nhau trôi tuột khỏi tai, cho đến khi mẹ bất ngờ nhớ ra rồi gác máy đi chuẩn bị mâm cúng rằm tháng bảy, tôi mới như giật mình choàng tỉnh. 

Ngày còn bé, thế giới thật ra rất nhỏ. Cả ngày, cả tháng, cả năm lúc nào cũng chỉ xoay quanh ba và mẹ. Lớn thêm một chút, thế giới sẽ dần dần trải rộng ra. Rồi vào một lúc nào đó, có quá nhiều người, quá nhiều việc xuất hiện trước tầm mắt, hình ảnh ba và mẹ trước giờ to lớn là thế sẽ đột nhiên bị thu nhỏ đến mức ngỡ ngàng. Tôi chợt nhớ lại khoảng vài năm trước thôi, cứ đến dịp Vu Lan sẽ tíu tít cùng mẹ đi chùa, ra dáng con ngoan làm việc nhà và bóp vai cho ba rồi cùng cả nhà chuyện trò trong bữa cơm tối. Thế mà chỉ mới bẵng đi một khoảng thời gian, dịp lễ đong đầy cảm giác ấm áp ấy lại như hoàn toàn phai nhạt khỏi tâm trí. Nếu mẹ không vô tình nhắc lại, hẳn tôi sẽ chẳng thèm để tâm. 

Con cái lớn dần, trong lòng rồi sẽ không còn lúc nào cũng chỉ có ba mẹ. Nhưng ba mẹ già đi, ưu tiên chắc chắn vẫn luôn dành cho con cái. Ba mẹ thấu rõ hết mọi nhọc nhằn tôi phải vượt qua, lặng lẽ ở bên cạnh quan sát và vỗ về. Chuyện về chính mình mà tôi không nhớ, mang đi hỏi ba mẹ thì sẽ lập tức nhận được câu trả lời. Nếu có một quyển bách khoa toàn thư với chủ đề là bản thân tôi, ba mẹ hẳn phải thuộc làu làu. Mà lỡ có từ khóa nào bị tôi cố tình bôi đen giấu giếm, họ cũng sẽ từ từ dùng yêu thương tẩy đi vết mực, để tôi chầm chậm mở lòng chia sẻ. 

Tôi mỉm cười vì sự ấm áp đến từ những dòng suy nghĩ ấy, song, khi vô thức nghĩ theo hướng ngược lại bỗng cảm thấy xấu hổ vô cùng. Tháng ngày cơ cực của ba, giờ phút nhọc nhằn của mẹ trong quá khứ và hiện tại cứ vậy mà qua đi trong âm thầm, tôi chưa một lần thực sự để tâm. Tôi đau lòng hiểu ra, người cho đi mà không màng nhận lại mới chính là người cần được yêu thương nhất. Chuyện của ba mẹ là yêu con, nhưng chuyện của con, không phải là xem thứ tình yêu ấy như một lẽ hiển nhiên để chỉ biết đón nhận.  

Thời gian sẽ không vì ai đó nhận ra thứ mình trân quý đang dần dần vụt khỏi tầm tay mà trôi chậm lại. Nếu hôm nay tôi không cảm thấy cô đơn khi ở một mình, nếu mẹ không cố gọi để nghe được giọng của con, lễ Vu Lan năm nay hẳn sẽ tiếp tục trôi vào quên lãng. Và tôi, cũng sẽ để mặc cho mình bị cuộc sống này kéo đi qua vô vàn cột mốc khác. 

Quãng đường sau này của tôi còn rất dài, còn không ít cơ hội để tôi khám phá đủ mọi góc cạnh của cuộc đời. Thế nhưng năm tháng qua mau lắm, và số lần được nghe câu “Con ăn cơm chưa?” từ ba mẹ cũng đang từ từ vơi đi. Vu Lan cũng chẳng khác gì, mấy năm trước đều nghĩ quên năm này thì vẫn còn năm sau, nhưng mãi như vậy rồi sẽ đến lúc chẳng còn năm sau để mà lần lữa nữa.

Tới một thời điểm nào đó, những câu chuyện nhỏ xíu và bình dị hằng ngày của ba mẹ bỗng trở nên quý báu như cổ vật trong miền ký ức của mỗi người. Khi chưa bị bộn bề lo toan của sự trưởng thành quấn thân, hy vọng ai ai cũng có thể tự mình chậm lại một chút, gạt bớt những điều mới mẻ hào nhoáng trước mắt để trông thấy ba mẹ đang ngày một già đi như thế nào. Họ chắc chắn chưa một lần yêu cầu, nhưng trong thâm tâm, nào ai biết việc được chăm sóc và gần gũi với con cái không phải là một khát khao thầm lặng? Ba mẹ không nhắc, cũng đâu chắc là chẳng mong chờ.

Vu lan đến rồi, thật may vì vẫn chưa hết ngày. Năm nay người không về được, nhưng tình cảm thì hoàn toàn có thể thông qua điện thoại đi thẳng vào tim của ba mẹ một cách vẹn tròn. 

(Visited 362 times, 1 visits today)
Close

0