Written by 8:36 pm Phóng sự

Bằng cấp đẹp hay kinh nghiệm dày?

Bằng cấp đẹp hay kinh nghiệm dày? Câu hỏi vẫn luôn được đặt ra cho thế hệ trẻ cũng như các nhà tuyển dụng trước giờ nhưng không bao giờ dừng lại. Việc cầm một tấm bằng thật đẹp, một tấm bằng loại khá giỏi so với việc mang trong mình những kinh nghiệm dày dặn với tâm thế sẵn sàng, cái nào sẽ được ưu tiên và giành lợi thế hơn? 

Tôi có một tấm bằng thật đẹp…

Có lẽ, ai cũng muốn sở hữu cho mình một tấm bằng thật đẹp sau khi ra trường, một tấm bằng loại giỏi hay khá dĩ nhiên sẽ gây ấn tượng tốt hơn so với tấm bằng chỉ ở mức trung bình.  Cầm tấm bằng với thành tích tốt trên tay, mọi người sẽ trầm trồ, khen ngợi và đầy ngưỡng mộ. Ai chẳng thích được như thế! Để có được những tấm bằng đó, là sự đánh đổi của những năm tháng thanh xuân vùi đầu vào sách vở, là sự đánh đổi của việc không còn đủ thời gian để trải nghiệm với cuộc sống bên ngoài. Họ chỉ biết học, học và học. Và sau hết, cái họ nhận được chính là quyền sở hữu một tấm bằng được cho là đẹp.

Tôi có những kinh nghiệm thật dày…

Kinh nghiệm – đó là cả một quá trình phấn đấu và rèn luyện. Muốn có kinh nghiệm thì phải dám thử thách bản thân, dám đặt bản thân vào nhiều vị trí và hoàn cảnh khác nhau. Mỗi ngày một ít, dần dần sẽ tích lũy cho mình thật nhiều kinh nghiệm đáng giá. Kinh nghiệm là cả những thứ nhỏ nhặt nhất. Chẳng hạn như viết mail, cứ nghĩ rằng đó là chuyện đơn giản nhưng xin thưa viết mail cũng cần phải có kinh nghiệm, phải trải qua quá trình tập luyện và tiếp xúc nhiều thì mới có thể cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Hay như việc diễn đạt, không phải cứ học theo lý thuyết là sẽ nói hay, thuyết phục được người khác. Muốn diễn đạt tốt, cứ thực hành càng nhiều sẽ càng có kinh nghiệm. 

Những kinh nghiệm trong các công việc nhỏ nhặt là như thế. Đôi khi, nhiều người còn có thể theo đuổi đam mê dựa trên những kinh nghiệm của mình. Kinh nghiệm của con người là không giới hạn, càng tích lũy thì sẽ càng dày, càng nhiều kinh nghiệm càng mang lại lợi thế. Việc tích lũy kinh nghiệm giúp người ta theo đuổi được đam mê cũng là điều hiển nhiên và dễ hiểu. Có kinh nghiệm thì chẳng có gì khó khăn cả.

Bằng cấp đẹp hay kinh nghiệm dày?

“Bằng cấp đẹp” và “kinh nghiệm dày”. Cả hai đều nghe có vẻ thật oai! Đứng giữa ranh giới hai bờ vực, ta sẽ chọn…? Việc chọn lựa là chuyện của mỗi người, không ai áp đặt ai. Nhưng, nhìn vào thực tế, sẽ thấy cái nào quan trọng hơn cái nào.

Bạn nghĩ một nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên người có bằng cấp đẹp, bạn nghĩ một nhà tuyển dụng sẽ tuyển thẳng một người sở hữu cho mình tấm bằng loại giỏi? Không hẳn là như thế. Tấm bằng chỉ là hình thức bên ngoài. Tấm bằng có “đẹp” đến đâu đi chăng nữa, nhưng kinh nghiệm không có, không làm được việc thì cũng chẳng nơi nào muốn nhận một nhân viên như thế. Đơn giản như dù cho bạn có cầm tấm bằng với danh nghĩa là Thạc sĩ đi chăng nữa, nhưng bạn chưa hề có kinh nghiệm viết mail. Một đơn xin việc online chẳng rõ ràng, lời văn lủng củng, trình bày qua loa thì liệu công ty có nhận “Thạc sĩ danh nghĩa” đấy? 

“Hãy quên các bằng cấp đi vì chúng chỉ có giá trị tham khảo thôi” – Nguyễn Bá Ngọc (Chủ tịch công ty NBN Media). Dưới góc độ nhà tuyển dụng, cũng chẳng ai quan trọng đến bằng cấp cả. Có thể là có, nhưng, chỉ là để “tham khảo”. Tham khảo quá trình của từng người trong suốt 4 năm đại học, tham khảo thành tích đó có đúng như thực tế họ đang nhìn vào hay không? Bằng cấp, chỉ là một công cụ, không phải là vũ khí. Vũ khí chính để ta đương đầu với những va vấp của cuộc sống không gì khác ngoài kinh nghiệm. Kinh nghiệm dày dặn mới là thứ ta cần. Có thể là sở hữu một tấm bằng không như mong đợi, nhưng trong suốt những năm tháng đại học ấy, ta vươn mình ra ngoài biển lớn kia, ta đương đầu với những sóng gió, ta đặt chân đến mọi ngõ ngách để tích góp cho mình từng chút từng chút một. Và rồi, khi mọi thứ đã sẵn sàng, ta đem ra bên ngoài những gì ta đã cố gắng để giành lấy. Dĩ nhiên, một hành trang vững như thế sẽ thu hút nhà tuyển dụng hơn bao giờ hết.

CEO Phương Bùi (Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Anh ngữ Aten) cho rằng, khi đánh giá một ứng viên, cô sẽ dựa theo 4 tiêu chí: kinh nghiệm, kỹ năng, tính cách và tiềm năng, mỗi yếu tố chiếm 25%. Đấy, bằng cấp lúc này có còn quan trọng hay chăng? Hay kinh nghiệm đã chiếm ưu thế hơn? Công ty nào cũng vậy, đâu cũng muốn bắt cho mình những con cá tốt nhất. Đã là cá thì phải có khả năng tự bơi, tự chống chọi với biển lớn. Cũng vì lẽ đó, nhà tuyển dụng sẽ chọn cho mình những người thật dày dặn kinh nghiệm để không phải tốn thời gian đào tạo lại, không phải mất công sức để chỉ ra từng lỗi nhỏ không đáng có. Có nhiều người, cầm tấm bằng với ngành nghề tài chính, nhưng khi xin việc, họ vẫn ứng cử vào các vị trí marketing, sale… và đôi khi còn làm tốt ở vị trí đó. Vì sao vậy? Đơn giản là họ đã theo đuổi những gì mình muốn, có thể việc chọn ngành là không hợp lý, nhưng khi đã nhận ra, họ sẵn sàng tìm lối đi mới, sẵn sàng đi gom nhặt những kinh nghiệm và hành trang cần thiết cho đam mê của mình. Hay có những người, họ chẳng thèm quan tâm đến việc học, nhưng luôn đi tìm tòi những kĩ năng để rồi đem ra thực hành. Và sau hết, họ dùng chính những kinh nghiệm đó để đi xin việc. Kết quả trên thực tế cho thấy, kinh nghiệm dày sẽ đem lại lợi thế hơn.

Đừng như những con gà công nghiệp, hãy bươn chải, hãy bay ra khỏi khuôn khổ đã được mặc định sẵn đi. Đi tìm, đi góp. Kinh nghiệm, kĩ năng. Hãy gom hết về. Để, một lúc nào đó, nó sẽ là vũ khí đắc lực, là cái mà ta cần đến. Thật, ta sẽ không thể quay lại và tích góp tất cả trong thời gian ngắn được. Vậy nên, tích được gì hãy tích từ bây giờ.  Đừng để bị xem là “người thiếu kinh nghiệm”. 

(Visited 752 times, 1 visits today)
Close

0