Written by 4:42 pm Cảm thức

Thương ba…

Có một bài viết từng đọc mà tôi khá tâm đắc, trong đó có một đoạn:

“1 tuổi, con tập đi, Mẹ chạy theo đỡ mỗi khi con ngã. Ba ngăn lại bảo rằng hãy để con tự tập đứng lên.

3 tuổi, con vòi vĩnh khóc đòi quả ớt trên mâm cơm. Mẹ kiên quyết không cho. Trong khi Ba lại bảo hãy để con nếm thử rồi con sẽ tự tránh xa.

5 tuổi, con nhất định không đến nhà trẻ, Mẹ không nỡ buông tay, đứng trước cổng trường nhìn con mãi. Ba quay đầu bảo Mẹ lên xe mau.

6 tuổi, con vào lớp, Mẹ căn dặn cô giáo xem chừng con bị bắt nạt. Thế mà Ba lại nói với cô rằng con làm gì sai cứ đánh phạt thẳng tay”

                                                                                                     (H.A)
 “Con thương ba hay thương mẹ hơn?”

“Con thương cả hai đều nhau ạ”

Là câu hỏi và câu trả lời của những ngày thơ ấu mà bất cứ ai cũng đều cảm thấy quen thuộc. Dường như không có đứa bé nào chưa từng nghe câu hỏi trên và dường như ai trong số chúng cũng đều chung một câu trả lời. Tại sao? Đơn giản chỉ vì câu trả lời ấy đã được chuẩn bị sẵn, được căn dặn kỹ càng, được khắc sâu trong những bộ óc non nớt của chúng và chỉ chực tuôn ra khi nghe câu hỏi như một con robot đã được lập trình sẵn. Và dĩ nhiên tôi cũng không năm ngoài số đó, tận sâu trong đáy lòng tôi không hề muốn phủ định câu trả lời ấy là sai. Thế nhưng mà, lớn lên rồi, rời xa vòng tay của ba mẹ rồi mới dần nhận ra, trong tôi, ba là ba, mẹ là mẹ, đều là những người mà ta trân quý suốt cuộc đời. Nhưng tình cảm cho ba và cho mẹ vẫn có chút gì đó khác nhau mà chẳng tài nào so sánh được, rằng bên nào hơn bên nào, đặc biệt là với ba. Người ta vẫn hay bảo tình cảm giữa cha và con gái là thứ tình cảm tự nhiên nhất, trong veo nhất nhưng cũng đằm thắm, sâu sắc nhất. Tôi có thể viết nhiều trang dài những dòng về mẹ, ấy vậy mà hiếm khi tôi đặt bút viết về ba mình. Chẳng phải vì thương mẹ hơn, chỉ là thật khó để tìm một từ ngữ nào đó cho xứng, cho thỏa, cho lột tả hết được cái mộc mạc đến giản dị của mối quan hệ này. Tôi không muốn dùng những từ ngữ quá mĩ miều để kể về ba của mình vì là tôi, tôi thương hơn ai hết những thứ đơn giản và chất phác thuộc về riêng ba.

Là ba, là người mà tôi cảm thấy mình có lỗi và mắc nợ nhiều nhất cuộc đời này. Mẹ tôi là một giáo viên, cũng chẳng phải giàu sang cao quý gì nhưng cũng là một trong những nghề cao quý. Ba tôi thì lại là một nông dân bình thường, quanh năm chân lấm tay bùn, áo quần lúc nào cũng sứt chỉ, đẫm mồ hôi. Ngày còn nhỏ không hiểu chuyện, mỗi lần có ai đó hỏi ba mẹ làm nghề gì, tôi đều muốn trả lời rằng “mẹ con là một giáo viên” trước sau đó mới nói “còn ba con chỉ làm nông thôi ạ”. Mỗi lần nói đến đó lòng lại thấy khó chịu, sao ba không làm giáo viên giống mẹ nhỉ, hay mua bán gì cũng được, nói ba làm nông tôi thấy ngượng, chính xác là tự ti về nghề của ba. Nhớ nhất cái ngày của năm lớp 4, khi đó tôi làm quen với một bạn mới chuyển trường về lớp tôi, câu ấy kể về gia đình mình một cách đầy tự hào rằng ba mẹ là bác sĩ giỏi, lương cao, ngày nào cũng cho cậu ấy rất nhiều tiền. Nhìn lại mình, cái tính trẻ con và lòng ghen tị trỗi lên, tôi bỏ ngang buổi học mà chạy ngay về nhà, vừa khóc vừa quát ba sao lại làm nông chứ, sao lại làm nông để tôi xấu mặt với bạn bè. Ngày hôm đó là lần đầu tiên và là lần duy nhất… ba đánh tôi, vừa đánh vừa khóc, vừa khóc vừa mắng, vừa mắng vừa đau lòng. Tôi biết mình sai, tôi đã xin lỗi dẫu có biết rằng dù có xin lỗi bao nhiêu cũng chẳng thể thay đổi được sự thật rằng tôi đã làm tổn thương chính ba của mình. Giờ nghĩ lại thấy sao mình ngốc quá. Tôi đã chẳng thể hiểu rằng tấm lưng còng và gầy gò ba, gánh cả giấc mơ của chị em tôi và chén cơm mưu sinh của cả gia đình nặng cỡ nào, đã chẳng biết để chị em tôi được đi học, ba đã cực nhọc bao nhiêu và chẳng thể thấy ba thương con gái của ba đến nhường nào. Những điều tưởng chừng ai cũng biết ấy thế mà đứa con như tôi lại không biết, không trân trọng ba của mình.

Ngày hôm ấy tôi gọi là ngày định mệnh.

Ngày hôm ấy tôi coi nó là “ngày của cha”

Bắt đầu quan tâm ba mình hơn… Ba thích ăn ngọt nè, thích món canh bí đỏ nấu với đậu phộng của mẹ, thích đi đôi dép cao su bự ơi là bự, thích xem mấy chương trình thể thao và cải lương trên tivi. Và đặc biệt, ba có thói quen mỗi lần đi làm đồng về lại chạy ngay vào bếp ngậm ngay một muỗng đường rồi uống lấy uống để một gàu nước múc từ giếng lên. Thế là ngày nào tôi cũng thích ngồi canh chờ ba về, vừa thấy bóng ba lẽo đẽo về đến đầu hẻm, tôi sẽ chạy ngay ra giếng và múc nước sẵn. Những năm tháng đó, những hình ảnh đó, dù đã xa nhà lâu rồi cũng chẳng hề nhạt nhòa dù một chút nhỏ. 

Là ba, người duy nhất đi cùng tôi vào những ngày tôi gọi là “lần đầu tiên” trong cuốn album “cột mốc cuộc đời”. Ngày đầu tiên chập chững tập đi, là ba tập cho. Ngày đầu tiên đi học mẫu giáo, là ba dẫn. Ngày đầu tiên biết cưỡi xe đạp, xe máy là ba dạy, lần đầu vào cấp 2, cấp 3, cũng là ba dẫn. Ngày thi đại học, là ba chở. Thế nhưng ngày đầu tiên xa nhà vào thành phố nhập học, tôi đi một mình, không có ông. Ba bảo con gái lớn rồi, phải tự đi, ba không dẫn nữa. Và giờ, tôi đã tự lập rồi… Có thể tự chăm sóc bản thân, tự sống tốt mà không có ba mẹ bên cạnh. Thế nhưng dù lớn thế nào thì:

 “Ba! Những năm tháng ấy ở cùng ba là những ngày tháng diệu kì nhất của chúng ta ba nhỉ?”…

Là ba, người mà suốt 18 năm qua số lần tôi nói câu: “Con thương ba” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Càng lớn càng ít nói. Ba cũng vậy, chả bao giờ nói thương tôi. Ba là vậy đấy, ông không quen với việc yêu thương được nói nên lời, quan trọng là tấm lòng và cách người ta cư xử. Tình thương của ba, tôi thấy hết từ trong đôi mắt ấy. Đôi mắt sâu, bao quanh bởi những nếp nhăn khắc khổ, đôi mắt dõi theo mọi bước chân, mọi nẻo đường tôi đi. Cũng từ trong đôi mắt ấy, tôi thấy cả những sự mất mát. 

“Ba đã làm cho con mọi thứ hơn những gì con xứng đáng”.

Tôi biết tôi giống ba, không khéo ăn nói gì cả, luôn tự mặc định rằng ba biết hết tình cảm của tôi. Đó là lí do tôi thích viết, vì mỗi lần viết được ra giấy những lời từ tận đáy lòng là một lần cảm thấy chút gì đó hạnh phúc. Tôi chắc rằng ba sẽ chẳng bao giờ đọc được những lời này ấy thế mà vẫn muốn viết cho thỏa lòng. Còn nhiều lắm những điều muốn nói không thể gói gọn trong vài dòng nhưng sau tất cả, con muốn nói:

“Ba ơi! Không phải là một quan chức cấp cao, một chính trị gia lỗi lạc, một giám đốc giàu có, một bác sĩ giỏi giang hay một vận động viên nổi tiếng, trước đây, bây giờ và sau này, ba vẫn là ba con, là lão nông thích ăn đồ ngọt, ngậm đường với nước lã rồi cười xuề xòa nhưng ba chính là người đàn ông vĩ đại, tuyệt vời nhất đời con.

Không dịu dàng, nâng niu như mẹ, nhưng con biết ba luôn thương con theo cách riêng của mình. Con cũng vậy. Con thương ba!”         

Hồng Thoa

(Visited 128 times, 1 visits today)
Close

0