Trong những ngày khi các sĩ tử tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 biết được kết quả của mình và đang đợi điểm chuẩn từ các trường Đại học, Cao đẳng, dư luận cả nước được một phen chấn động bởi tràn ngập trên các mặt báo và bản tin thời sự là tin tức Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận có 330 bài thi của 114 thí sinh ở tỉnh Hà Giang được nâng điểm. Trong đó, có em tăng đến 9 điểm/môn, có em tổng điểm các môn lên đến 26,8, thậm chí 29,95 so với điểm thực tế (theo vnexpress.net). Sau đó, vào đêm ngày 21/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD – ĐT thông tin bước đầu cho thấy có những dấu hiệu sai phạm quy chế thi, đặc biệt ở khâu chấm thi, trong đó có dấu hiệu làm thay đổi kết quả thi của thí sinh tại tỉnh Sơn La, và sự việc vẫn đang được điều tra làm rõ. Ngày 22/7, nguồn tin của Zing.vn cho biết Bộ trưởng Bộ GD – ĐT đã ký quyết định thành lập tồ công tác kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi ở Hòa Bình, khi Hòa Bình cũng là một trong những địa phương có thứ hạng cao về tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9 trở lên môn Toán, Lý, Hóa và số lượng thí sinh trên 27 điểm ở một số khối thi.

 

      

      Từ đó, người ta có quyền nghi ngờ tiếp liệu có hay không vẫn còn những chuyện tương tự xảy ra ở các điểm thi khác nhưng được thực hiện khéo léo hơn nhằm qua mặt các cơ quan chức năng? Ai biết được việc sửa kết quả thi ở quy mô lớn như thế chắc không phải là lần đầu tiên và do một người đơn thương độc mã làm? Trên các diễn đàn và mạng xã hội, người ta chế ảnh, đăng lại câu nói mà một năm về trước đã từng bị lên án và phản đối dữ dội của hotgirl Linh Ka: “Điểm đâu quan trọng, bây giờ có thể mua được điểm cấp III và Đại học mà.”, kèm với đó là những lời xin lỗi đến Linh Ka vì đã chỉ trích câu nói của em là không đúng.

 

 

 

      

      Từ đó, người ta có quyền nghi ngờ tiếp liệu có hay không vẫn còn những chuyện tương tự xảy ra ở các điểm thi khác nhưng được thực hiện khéo léo hơn nhằm qua mặt các cơ quan chức năng? Ai biết được việc sửa kết quả thi ở quy mô lớn như thế chắc không phải là lần đầu tiên và do một người đơn thương độc mã làm? Trên các diễn đàn và mạng xã hội, người ta chế ảnh, đăng lại câu nói mà một năm về trước đã từng bị lên án và phản đối dữ dội của hotgirl Linh Ka: “Điểm đâu quan trọng, bây giờ có thể mua được điểm cấp III và Đại học mà.”, kèm với đó là những lời xin lỗi đến Linh Ka vì đã chỉ trích câu nói của em là không đúng.

 

       Những sự việc kể trên quả là hồi chuông cảnh báo cho những giá trị đạo đức đang dần bị suy thoái, niềm tin của con người ngày càng bị bào mòn bởi những con sâu làm rầu nồi canh như thế này. Biết bao nhiêu học sinh đã vất vả học ngày học đêm suốt 12 năm trời nhưng lại thua những người khi đi thi chỉ toàn ngủ và đánh bừa đáp án. Điều đó gây ra sự bất công bằng vô cùng lớn với các em “học thật, thi thật”. Một trong những hệ lụy nguy hiểm nhất là làm trầm trọng hơn căn bệnh thành tích trong nền giáo dục vốn đã tồn tại từ lâu, nhiều người ngay từ nhỏ đến Đại học đều tranh đua để được điểm cao, được học trường chuyên, lớp chọn, trong đó có nhiều người dựa vào quan hệ và đút lót để đi đường tắt. Rồi bọn họ ngày càng quen với điều đó, khiến vấn nạn chạy trường, chạy điểm, chạy việc tăng lên, rồi khi đi làm muốn được thăng quan tiến chức cũng dùng tiền, quan hệ để lót đường cho mình. Còn những người có quyền cũng thoải mái ăn hối lộ, thu lợi cho bản thân, gia đình và dòng họ mình, dùng quyền hạn của mình để nâng đỡ những kẻ “có cái vỏ ngoài đẹp nhưng bên trong trống rỗng”. Xã hội dần quen với việc chạy chọt đút lót, lừa lọc lẫn nhau, tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức quyền, trục lợi cho bản thân mà bất chấp thủ đoạn, để rồi sự công bằng dần mất đi chốn dung thân của nó. 

 

      Trước vụ bê bối trong ngành giáo dục này, chúng ta cũng từng được nghe và biết đến những vụ án gây ra bất bình cho toàn xã hội và khiến chúng ta mất niềm tin vào con người, như những vụ giết người, cướp của, rồi đến làm hàng nhái, thuốc kém chất lượng cho những bệnh nhân ung thư, tham nhũng, làm thất thoát của nhà nước mấy chục tỉ đồng,… Người ta đi kiếm tiền để đổi lấy hạnh phúc, nhưng cũng có những kẻ đem hạnh phúc để đổi lấy tiền. Chúng ta đang sống trong xã hội mà có những thứ khiến con người ta bất chấp tất cả, giẫm đạp lên nhau để mà giành lấy. Người ta có thể vì tranh nhau chức quyền, ham danh hám lợi mà sẵn sàng vứt bỏ đi tình cảm, bán đứng bạn bè, anh em. Vì cái lợi trước mắt và sự an toàn của bản thân mà những kẻ đeo mặt nạ giả tạo ấy sẵn sàng đổi trắng thay đen. Bọn họ có đủ lý do để bao biện cho sự tham lam, ích kỷ của mình, xem nhẹ lương tâm mà cố đoạt lấy tiền tài, danh vọng, địa vị,… Những giá trị nhân văn tốt đẹp đang ngày càng bị bóp méo để cổ súy cho những hành vi sai trái, vi phạm chuẩn mực đạo đức. Chúng ta dần hoài nghi về giá trị của chân lý và công bằng. Chúng ta vẫn thường ngầm hiểu rằng, ở Việt Nam muốn mọi thứ dễ dàng bạn cần có: thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ, thứ tư mới là trí tuệ. Vậy là đôi khi những người học hành chăm chỉ suốt bao nhiêu năm trời, làm lụng cật lực mong được thăng tiến lại thua những kẻ sống “tà tà” nhưng vẫn hơn người khác bởi họ vốn đã có nhiều tiền hay là “con ông cháu cha”. Chắc chắn ai cũng có đôi lần thốt lên đời thật bất công khi mà có những thứ ta đã cố gắng hết sức, đặt trọn hy vọng vào nó nhưng đổi lại chỉ toàn sự thất vọng. Cuộc sống này quả đầy rẫy những tréo nghoe và bất bình.

 

      Mà sự bất công vốn đã hiện hữu từ rất sớm. Trở về với lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người. Theo đó, khi những giá trị về vật chất, của cải sinh ra từ quá trình lao động của con người, một khi nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ thì sẽ sinh ra giá trị thặng dư (tức của cải dư lại sau khi đáp ứng hết những nhu cầu cần thiết của xã hội). Sự xuất hiện của giá trị thặng dư là một yếu tố cần có để sản sinh ra sự tư hữu tài sản của một số người có địa vị trong xã hội bấy giờ. Sự tư hữu đó là kết tinh của lòng tham và sự ích kỷ tiềm tàng trong bản chất của loài người, thông qua chất xúc tác là quyền lực. Con người tranh giành quyền lực với nhau thông qua những quy ước, luật định đạo dức chung. Có nhiều người muốn đoạt được lợi ích mà bất chấp mọi quy ước, chuẩn mực đạo đức. Chính điều này đã gây nên sự bất công giữa người với người. 

      Xã hội ngày càng phát triển, con người ta bị cuốn vào vòng xoáy của danh vọng và đồng tiền. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, sự bất công ngày một nhiều lên. Bởi vậy mà những người dân bình thường luôn cố gắng làm mọi cách, có khi không từ mọi thủ đoạn để nắm trong tay tiền và quyền, như vậy mới làm cho cuộc sống của bản thân và gia đình tốt hơn. Mà lòng tham con người thì vô đáy, luôn luôn muốn có nhiều hơn, khi ở cương vị cao rồi thì thật khó để giữ được sự cương trực trước những cám dỗ cuộc đời. Và ta tin rằng những người nắm trong tay tiền và quyền lực mới tạo ra công bằng. Sự công bằng như một miếng mồi ngon để bầy thú hoang tranh giành, cắn xé nhau để đạt được. Mà không có cái gì tồn tại vĩnh hằng, kẻ nắm giữ rồi sẽ bị lật đổ bởi những kẻ mạnh hơn. Sự tranh giành sẽ mãi mãi tiếp dễn cho đến khi đạt trạng thái cân bằng mới thôi. Tương tự như vậy, tất cả mọi thứ trên đời này đều tồn tại bên trong hai mặt đối lập, chúng song hành và đấu tranh lẫn nhau. Có đen thì phải có trắng, có ánh sáng thì sẽ có bóng tối, có công bằng thì tất cũng sẽ có bất công. Chẳng có thứ gì là tồn tại một cách độc lập và tuyệt đối cả. Như bàn tay của con người kể cả khi nắm lại thì trong ấy vẫn còn chút kẽ hở. Có thể những sự việc đen tối kể trên đã khiến giá trị của sự công bằng bị lu mờ, nhưng nó vẫn đang tồn tại và không bao giờ bị biến mất. 

      Nếu không có công bằng, thì sự việc gian dối về kết quả thi cử đã không bị điều tra ra và bị khởi tố hình sự, và rồi những kẻ phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm trước vi phạm của mình. Bất cứ ai đều sẽ trả giá cho hành vi của chính mình. Ví dụ như đừng thấy sự bất công giữa người giàu và người nghèo mà không nghĩ đến những cái giá họ phải chấp nhận để đạt được sự giàu có đó. Người giàu cũng dùng chất xám, sức lao động vất vả để kiếm ra tiền như bao người khác, có khi còn vất vả và khó khăn hơn gấp bội, họ luôn sống trong môi trường áp lực lớn mà người nghèo không thể chịu được, luôn phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản, nếu lén lút phạm tội thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ tù tội và lương tâm của họ chắc chắn sẽ không bao giờ được yên. Những quan chức tham nhũng cũng phải đánh đổi bằng cách có khả năng phải chịu ngồi tù, hay thậm chí mạo hiểm cả tính mạng mới thu được số tiền bất chính. Những kẻ phạm tội cho dù không bị pháp luật trừng trị thì luật nhân quả cũng sẽ trừng trị họ. Những tội ác mà họ gây ra cho người khác mà họ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thì một lúc nào đó sẽ có kẻ mạnh hơn họ gây lại cho họ những điều mà họ từng gây ra cho người khác. Những kẻ luôn mang trong mình tính ích kỷ, thực dụng, luôn im lặng trước mọi sự ngang trái, bất công xung quanh và chỉ lên tiếng khi quyền lời của bản thân mình bị đe dọa. Rồi có một ngày, họ nếm trải sự bất công tương tự mà chả một ai đứng ra bênh vực cho. Đó chính là sự công bằng.

 

      Như đã nói sự vật nào cũng tồn tại hai mặt của nó, cho nên bên cạnh công bằng thì bất công là điều không thể thiếu trong cuộc sống. Bất công và công bằng là hai khái niệm tương đối phụ thuộc vào cách ta ứng xử với cuộc sống như thế nào để công bằng có thể lấn át bất công hoặc ngược lại. Bản chất cuộc sống luôn chứa đựng những điều không công bằng mà chúng ta chỉ có thể thuận theo và dần đấu tranh để thay đổi nó. Chúng ta không thể thay đổi những bất công trong quá khứ nhưng có thể ngăn ngừa và hạn chế những ảnh hưởng của chúng trong tương lai. Chúng ta chỉ là những con người rất đỗi bình thường, chúng ta không thể thay đổi những điều bất công xảy ra với người khác hay bản thân mình, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách suy nghĩ, nhìn nhận về cuộc sống một cách tích cực hơn, chỉ cần sống không thẹn với lòng mình, ta sẽ thấy “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, sẽ không dễ dàng bị cuốn đi bởi những ngang trái của cuộc đời.

 

      Tôi tin vào câu nói: “Cuộc sống vốn bất công, nhưng luật nhân quả rất công bằng”. Nhân quả theo chữ Hán có nghĩa là hạt giống và bông trái. Ở đây chúng ta nên hiểu nghĩa nhân quả là hành động và kết quả của hành động. Nếu hành động ác là nhân ác, kết quả của hành động ác thì chúng ta sẽ phải thọ chịu quả khổ đau. Còn hành động thiện sẽ mang đến hạnh phúc, an vui cho chúng ta. Gieo nhân nào thì gặp quả nấy. Cho đi nhiều thì sẽ nhận lại được nhiều. Thành công sẽ đến với những người có ý chí và phấn đấu, còn những kẻ muốn vươn lên mà bất chấp mọi thủ đoạn thì sẽ nhận lại một cái giá tương xứng. Vậy nên, đừng vì những con sâu làm rầu nồi canh như những sự việc đã nêu ở đầu bài mà mất niềm tin vào sự công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc sống, chỉ cần ta nguyện tin tưởng, thì nó sẽ luôn tồn tại. 


Hoài Thương

(Visited 290 times, 1 visits today)
Close

0